Phân loại và sinh thái học Gà_lôi_lam_mào_trắng

Phân loại học

Gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi là một thành viên trong giống Lophura. Gà lôi lam mào trắng được mô tả lần đầu tiên vào năm 1896. 28 năm sau đó, một loài Lophura khác, Gà lôi lam mào đen Lophura imperialis đã được mô tả từ một đôi còn sống được các nhà truyền giáo mua hoặc thu được tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (Delacour & Jabouille 1925). Gà lôi lam mào đen được ghi nhận thêm 3 trường hợp ngoài thực địa nữa (BirdLife International 2001), cho đến khi được chứng minh là con lai giữa Gà lôi lam mào trắng và Gà lôi trắng Lophura nycthemera, theo Rasmussen (1998), Garson (2001), BirdLife International (2001) và Hennache và cộng sự (2003). Năm 1964, hình thái tương tự thứ ba của gà lôi đã được phát hiện (nhưng con đực có các lông đuôi giữa màu trắng) và được đặt tên là Gà lôi lam đuôi trắng Lophura hatinhensis (Vo Quy 1975). Sau khi được phát hiện, số lượng Gà lôi lam đuôi trắng ghi nhận được tăng lên rất nhanh, sau đó nhanh chóng giảm xuống, với ghi nhận lần cuối năm 1999 (BirdLife International, 2001). Hầu hết Gà lôi lam đuôi trắng được ghi nhận tại phía bắc khu vực phân bố của Gà lôi lam mào trắng ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tuy nhiên, một trường hợp được ghi nhận gần sông Hương, cách Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, 15km về phía nam vào năm 1999, rất gần ranh giới phía nam của khu vực phân bố của Gà lôi lam mào trắng (BirdLife International 2001; Hennache và cộng sự 2012). Gần đây, Gà lôi lam đuôi trắng đã được đề xuất là một biến dị do giao phối cận huyết của Gà lôi lam mào trắng (Hennache và cộng sự 2012). Vì thế, hiện nay Gà lôi lam mào trắng là loài duy nhất trong ba loài được công nhận và có tên trong Sách đỏ của IUCN. Do đó, những ghi nhận về Gà lôi lam mào trắng được nhắc đến trong tài liệu này cũng bao gồm thông tin về các cá thể trước đây được coi là Gà lôi lam đuôi trắng.[2]

Sinh thái

Kiến thức về loài này còn rất hạn chế, vùng phân bố, điều kiện môi trường sống và sinh thái cơ bản.

Thức ăn

Chưa có thông tin nào đề cập về chế độ ăn uống của loài này trong tự nhiên.

Sinh sản

Một cá thể non đã được bắt ngoài tự nhiên vào ngày 15/4/1926 tại Huế và được ông Pierre Jabouline nuôi (mẫu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, Paris, Pháp). Mọi thông tin khác đều có được từ việc quan sát các cá thể trong nuôi nhốt. Thời gian đẻ trứng thường là từ tháng Ba đến tháng Năm; lứa đầu tiên được ghi nhận gồm 5 quả trứng, nở sau 21 ngày; theo quy luật, các cá thể gà chỉ bắt đầu sinh sản sau 2 tuổi (Delacour 1977). Một con trống nở trong điều kiện nuôi nhốt đã sống được 22 năm (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Delaware, Greenville, USA, thông tin ghi trên nhãn). Một con trống khác cũng sống tới 22 tuổi tại Jersey Durrell Wildlife Park (thông tin từ Alain Hennache 2015). Một con trống hoang dã thu được ở Quảng Trị vào tháng 12/1996 khi mới khoảng một tuổi và sau đó được chuyển đến nuôi tại Vườn thú Hà Nội đã sống thêm hơn 17 năm, đến năm 2013 (theo thông tin từ Đặng Gia Tùng, 2015).[2]